TẠI SAO CON ĐÁNH EM?
Đó là một câu hỏi mà rất nhiều bậc cha mẹ đặt ra cho con nhưng không nhận được câu trả lời!
Và dù, họ vẫn luôn khẳng định “chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể để đối xử công bằng với bọn trẻ” nhưng đứa lớn vẫn hay đánh đứa bé! Không hiểu tại sao?
Còn tôi thì tin rằng, bất kể chuyện gì xảy ra cũng có nguyên nhân sâu xa mà có thể bố mẹ đã vô tình bỏ qua vì nó chỉ là những cử chỉ, hành động và lời nói quá nhỏ nhặt.
Từ những điều tưởng chừng vụn vặt vô hại ấy, tích dần lên theo thời gian, tác động trực tiếp vào nhận thức của đứa trẻ khiến nó thay đổi hành vi.
Nếu để ý, cha mẹ sẽ thấy, bất kể một em bé nào khi mới được lên chức anh/ chị, sẽ không lao vào đánh em ngay từ những ngày đầu. Những hành vi đó chỉ xuất hiện dày đặc lên sau một khoảng thời gian.
Vậy, tại sao?
Theo tôi, 30% xuất phát từ bản năng của đứa trẻ, 70% nguyên nhân xuất phát từ cách hành xử của người lớn!
Trong những năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn từ 0 – 3 tuổi, trẻ thường sống và hành động theo bản năng. Đã gọi là sống bản năng, đồng nghĩa với việc chúng hành động theo cảm xúc và thường chưa biết cách làm thế nào để tiết chế cảm xúc của bản thân. Sống bản năng tức là khi gặp chuyện bực tức, bất an, ấm ức… chúng sẽ tìm cách trút giận lên những kẻ yếu thế hơn. Trong phạm vi gia đình, kẻ yếu hơn ở đây chính là đứa em của chúng. Hoặc cũng có những trẻ phản ứng bằng cách tự thu mình lại, bỏ nhà ra đi vì nghĩ rằng, ba mẹ không còn yêu mình nữa.
Nó có nghĩa, nếu người lớn có thể tạo cho chúng 1 môi trường khiến chúng luôn cảm thấy an toàn, được yêu thương và công bằng trong cách đối xử, những biểu hiện tiêu cực sẽ rất ít khi xảy ra.
Tuy nhiên, rất ít cặp vợ chồng khi sinh con thứ hai làm được điều này. Phần vì họ không lưu tâm, phần vì họ chưa thực sự tinh tế trong cách đối xử với 2 đứa trẻ.
Tôi xin phép được chỉ ra tập hợp những mảnh ghép nhỏ của sự ấm ức, khiến chúng luôn có sự ác cảm với em mình.
Như vậy, việc quan trọng nhất bố mẹ cần phải làm từng bước một đó là:
Giúp con làm quen với việc có em.
Giúp con không có ác cảm với sự có mặt của em.
Giúp con yêu quý và gắn bó với em.
Sau khi con bé đã yêu quý em rồi việc của bố mẹ là dạy chúng cách chia sẻ với nhau, bảo vệ nhau, nhường nhịn nhau.
Thực hiện từng bước một thôi, như vậy mới cho hiệu quả tốt.
Nếu ngay từ đầu, bố mẹ đã đưa ra những nguyên tắc cho con lớn và bắt con phải thực hiện theo vô điều kiện. Nếu con không thực hiện mà lỡ tay đánh em, bố mẹ lập tức quát mắng, trừng phạt con, thậm chí đánh đập, con sẽ chỉ thêm thù ghét em mà thôi.
Dù nỗi ấm ức này không thể hiện ra ngoài, nhưng nó sẽ tích tụ dần và gây ra những hậu quả đáng tiếc về sau. Thậm chí, có những anh, chị em trong một gia đình vẫn cay cú, thù ghét nhau ngay cả khi đã trưởng thành, lập gia đình.
Thêm nữa, tất cả các thành viên trong gia đình, từ ông, bà, bố, mẹ nên đồng nhất quan điểm giáo dục con cháu mình. Đừng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Bố mẹ dạy 1 đằng, ông bà nói 1 kiểu, bé sẽ chẳng biết theo ai. Cuối cùng, mọi công sức dạy dỗ của ba mẹ sẽ bị đổ xuống sông xuống biển hết.
Tôi rất mong, sau khi đọc được những dòng chia sẻ này, các bố mẹ sẽ lưu tâm hơn, tinh tế hơn trong cách hành xử với các con. Để chúng có một tuổi thơ êm đềm bên nhau, cùng nhau lớn lên và trưởng thành!
Nguồn: Fb Lê Thanh Ngân